Tấm gương học đường

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3602

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS THĂNG BÌNH

Đăng lúc: 23:01:49 09/02/2023 (GMT+7)

  • Tên trường: THCS Thăng Bình.
  • Năm thành lập: 1990.
  • Mã định danh: 38404526.
  • Địa chỉ: Thôn Lý Bắc, xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
  • Email: thcsthangbinh.nc@thanhhoaedu.vn.
  • Đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Đạt kiểm định chất lượng mức độ 2.

A.   KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH ĐỊA PHƯƠNG

Xã Thăng Bình trước đây là một xã gồm địa giới Thăng Bình, Thăng Long, Thăng Thọ. Năm 1954 được tách ra làm 3 xã là xã Thăng Bình, xã Thăng Long và xã Thăng Thọ. Từ ngày chia tách, xã Thăng Bình  có diện tích đất đai là 1186.66 ha với dân số hơn 7200 người. Là một trong những xã lớn của huyện Nông Cống, Thăng Bình có vị trí địa lý, thổ nhưỡng đa dạng, đồi núi, ruộng men sông, đồng chiêm trũng nội đê... Cuộc sống thuần nông gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, các thế hệ con em Thăng Bình luôn có truyền thống hiếu học, có tố chất thông minh. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thăng Bình luôn quan tâm, đầu tư cho giáo dục. Chính vì vậy mà đến nay cả ba nhà trường đóng trên địa bàn đều là trường chuẩn Quốc gia và luôn xếp ở tốp các trường dẫn đầu trong Huyện.

       B.   QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG

I.  Năm 1968 đến năm 1973

       Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng là xây dựng và phát triển hậu phương miền Bắc tiếp vận cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt, đòi hỏi hệ thống giáo dục quốc dân phải phát triển để đáp ứng yêu cầu cách mạng. Trường cấp II Thăng Bình có quyết định thành lập, thu hút con em Thăng Bình đang học ở các trường khác trở về học tập tại địa phương, với sự ra đời cùng với một sự kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đó là “Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 “.

         Từng có 2 lớp (1 lớp 5 và 1 lớp 6) với chỉ khoảng vài chục học sinh. Lúc này trong điều kiện khó khăn trường phải mượn nhà dân làm nơi làm việc cho thầy cô và dựng lán tranh tre ở ven núi làng Ngọ Xá làm lớp học. Trong điều kiện sơ khai còn muôn vàn khó khăn cùng hoàn cảnh chiến tranh nhưng các thầy cô vẫn vượt qua khó khăn, gắn bó với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ. Thầy Tô Quang Mậu hiệu trưởng và các thầy cô bấy giờ là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng để có được trường THCS Thăng Bình ngày nay.

II. Năm 1973 đến năm 1976

      Giai đoạn này nhà trường do thầy Nguyễn Hữu Mừng làm hiệu trưởng cùng 12 thầy cô giáo. Lúc này trường có 9 lớp với 300 học sinh. Cùng với việc Đế Quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại thủ đô Pari của nước Pháp, chiến dịch HCM mùa xuân năm 1975 thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bắc Nam xum họp một nhà, non sông thu về một mối. Để khắc phục khó khăn sau chiến tranh và củng cố cơ sở vật chất. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thăng Bình đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của để xây dựng trường tại thôn Lý Bắc (nơi 2 trường Tiểu học và Thcs tọa lạc ngày nay). Từ đây các trường trở lại dạy và học bình thường. Tuy vây, trường mới xây dựng nên còn gặp muôn ngàn khó khăn nhưng các thầy cô vẫn bám trường, bám lớp, tận tâm, tận lực với nghề và với học trò.

III. Năm 1976 đến năm 1978

      Giai đoạn này, trường do cô Vũ Thị Lan là người sinh ra và lớn lên ở xã Thăng Bình - phó hiệu trưởng trường cấp II được điều động và bổ nhiệm về làm hiệu trưởng thay cho thầy Nguyễn Hữu Mừng chuyển công tác.

       Là giáo viên dạy giỏi và được trở về cống hiến  ngay tại trên quê hương của mình, cô Vũ Thị Lan cùng 15 thầy cô giáo trong nhà trường đã tận tâm, tận lực để xây dựng nhà trường cùng 354 em học sinh. Thông cảm với địa phương về khó khăn, các thầy cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các khóa học sinh thời kỳ này luôn có kết quả học tập tốt, nhiều học sinh vào THPT, thi đậu Cao Đẳng và Đại Học.

IV. Năm 1978 - 1979

     Giai đoạn này do thầy Nguyễn Luân Đôn làm hiệu trưởng. Thực hiện chỉ thị 04/CT-TW ngày 11/1/1979 của BCH TW về việc cải cách giáo dục. Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT và của UBND Tỉnh Thanh Hóa. Trường cấp II Thăng Bình tháp nhập với trường Cấp I lấy tên là trường PTCS Thăng Bình. Trường do thầy Đồng Xuân Cảnh làm hiệu trưởng giai đoạn 1979-1981. Hiệu phó phụ trách cấp 2 là thầy Nguyễn Quyền. Cả 2 cấp học gồm 16 lớp và 500 học sinh trong đó khối cấp 2 có 6 lớp với 245 học sinh. Trường có 12 phòng học cấp 4 trên hai khu đất mà hiện nay 2 trường đang tọa lạc.

      V. Năm 1981 đến năm 1988

       Do yêu cầu về công tác cán bộ, thầy Vũ Hữu Thính là người Thăng Bình - nguyên cán bộ Huyện ủy - UBND huyện - phòng GD-ĐT được điều động về làm hiệu trưởng trường PTCS Thăng Bình - phụ trách khối cấp 2 là thầy Nguyễn Hữu Trân. Lúc này khối cấp 2 có 7 thầy cô với 7 lớp và 260 học sinh. Trường có dãy phòng học cấp 4 với 12 phòng học. Đây cũng là thời kỳ mà địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân túng thiếu nhiều bề nên số lượng học sinh không thể đến trường khá đông. Tuyển vào lớp 1 gồm 5 lớp nhưng đến lớp 9 chỉ còn 1 lớp. Tuy nhiên với sự quyết tâm, nhiệt huyết nghề nghiệp, các thầy cô đã từng bước khắc phục khó khăn, bám lớp bám trường, duy trì chất lượng; Chính vì vậy mà các khóa học sinh từ 1981 đến 1987 vẫn đạt yêu cầu khá. Năm 1988 thầy Vũ Hữu Thính được nhà nước cho nghỉ chế độ và sống tại quê nhà.

    VI. Năm 1988 đến 1990

     Thời kỳ này nhà trường do thầy Nguyễn Duy Hạnh là cán bộ Huyện đoàn được điều động về làm hiệu trưởng. Đây là thời kỳ mà trường PTCS Thăng Bình tiếp tục khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại địa phương. Tập thể CBQL- giáo viên-nhân viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy, chung tay cùng Đảng Bộ, Chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

VII. Năm 1990 đến năm 1993.

        Năm 1990, thực hiện chủ trương của Đảng - nhà nước - Bộ GD - ĐT có quyết định cho tách trường thành trường cấp 1 Thăng Bình và trường cấp 2 Thăng Bình nay là trường tiểu học và trường THCS. Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh là giáo viên trường PTCS Thăng Bình được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường cấp 2. Thời kỳ này trường có 8 lớp với trên 300 học sinh và có 10 thầy cô giáo. Cơ sở vật chất phòng lớp hoc cũng được tách làm đôi. Trường cấp 2 có 8 phòng học cấp 4 và một nhà cấp 4 vừa là văn phòng lớp học vừa là nhà hiệu bộ cho CBGV-NV làm việc. Năm 1993 do yêu cầu công tác cán bộ, thầy Nguyễn Văn Thanh chuyển công tác, thầy Trần Văn Tình được điều chuyển từ cấp 2 Minh Nghĩa về làm hiệu trưởng.

    VIII. Năm 1994 đến năm 2003.

       Đây là thời kỳ thực hiện nghị quyết Đại Hội đảng toàn quốc lần thứ VIII, lần thứ IX. TW Đảng đã ra nghị quyết riêng về giáo dục - Đào tạo (NQ02/ Khóa VIII) khẳng định “ Giáo dục - Đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Nhiều văn bản về giáo dục và đào tạo đã ra đời.

       Thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và cấp trên, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân Thăng Bình đã nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện đầu tư chăm lo cho giáo dục.

        Năm 2000 địa phương đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện dãy 8 phòng học hai tầng kiên cố cho nhà trường với kinh phí trên 500 triệu đồng để đáp lại tình cảm và sự quan tâm của Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân. Tập thể CBGV-NV  và học sinh nhà trường không ngừng phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt. Chính vì lẽ đó mà học sinh tốt nghiệp tăng cao, có giáo viên giỏi Tỉnh, giỏi Huyện, học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều học sinh vào THPT và thi đậu vào trường CĐ và ĐH.

IX. Tháng 9/2010 đến 9/2015

       Tháng 9 năm 2010, thầy Nguyễn Xuân Thu được về nghỉ chế độ. Cô Lường Thị Diệu - Phó hiệu trưởng nhà trường được cấp trên bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhà trường. Cũng tại thời điểm này với sự nỗ lực của cấp Ủy Đảng, Chính quyền địa phương, sự chia sẻ khó khăn của chính phủ Nhật Bản, nhà trường đã được Đại sự quán Nhật Bản tại Việt Nam quyết định tài trợ không hoàn lại xây dãy phòng học hai tầng 8 phòng tại trường THCS Thăng Bình. Với thuận lợi và sự ủng hộ của chính quyền, của phòng GD-ĐT Nông Cống, tập thể CBGV-NV nhà trường đã đi đến thống nhất xây dựng kế hoạch: xây dựng trường THCS Thăng Bình trở thành trường chuẩn quốc gia. Với ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với khát khao của bao thế hệ nhà giáo; Để ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và đặc biệt là với tập thể CBGV-NV nhà trường. Ngày 15 tháng 6 năm 2015 trường THCS Thăng Bình được công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia .

      X. Tháng 9 năm 2015 đến tháng 1 năm 2017

       Tháng 9 năm 2015, cô Lường Thị Diệu được nhà nước cho nghỉ chế độ và thầy Lê Văn Ba - phó hiệu trưởng trường THCS Tế Lợi được cấp trên bổ nhiệm về làm hiệu trưởng. Để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng của trường chuẩn quốc gia, với đội ngũ giáo viên đang ở độ chín của nghề nghiệp, sự quan tâm lãnh chỉ đạo của cấp Ủy Đảng, Chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập thể CBGV-NV nhà trường tập trung đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức thao giảng, dự giờ thăm lớp và chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Và cũng từ đây với điều kiện CBVC tương đối ổn định, chất lượng giáo dục của nhà trường đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào, đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi được xếp vàp top 10 trường dẫn đầu của huyện. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS khá cao, chất lượng đầu ra (học sinh vào THPT) từng bước được cải thiện. Nhiều thầy cô được công nhận là CSTĐ, là LĐTT, nhà trường được tặng nhiều phần thưởng và giấy khen của các cấp.

      XI. Từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018

         Do yêu cầu công tác và sự bố trí phân công của huyện, thầy Lê Văn Ba được điều động về công tác tại phòng GD và ĐT. Cô Phạm Thị Huyền được điều động từ Tế Nông về làm hiệu trưởng nhà trường. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, chất lượng mũi nhọn được củng cố và nâng cao luôn ở tốp đầu của huyện, chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực, nhà trường luôn được công nhận là tập thể lao động tiên tiến, các tổ chức trong nhà trường được tặng nhiều phần thưởng của cấp trên, nhiều thầy cô được tặng danh hiệu thi đua. Trong giai đoạn này nhà trường cũng đã làm tốt công tác XHH giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục như lắp quạt, lắp máy chiếu trên các phòng học phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

       XII. Từ tháng 12 năm 2018 đến nay

      Do yêu cầu công tác cán bộ, cô Phạm Thị Huyền chuyển công tác và thầy Trần Quốc Thịnh được điều chuyển từ trường THCS Công Bình về làm hiệu trưởng. Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của nhà trường, sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu cả bên trong lẫn bên ngoài. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng và cải tạo theo hướng hiện đại, chất lượng giáo dục trên tất cả 4 mặt: đức, trí, thể, mỹ được quan tâm đúng mức. Chất lượng đội ngũ nhà giáo đều đạt trên chuẩn. Nhà trường có giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Có nhiều SKKN được xếp loại cấp huyện, cấp tỉnh. Chất lượng mũi nhọn đứng trong tốp đầu của huyện, có nhiều HSG huyện và HSG tỉnh, nhiều thầy cô luôn đạt thành tích cao và được tặng danh hiệu CSTĐ và LĐTT, bằng khen của UBND tỉnh. Nhà trường hai năm liên tiếp được tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh. Năm học 2020 - 2021, nhà trường phấn đấu xây dựng hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn để được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ II ./.
                                                                                                                        _BAN BIÊN TẬP_

CB, GV, NV.JPG

TẬP THỂ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN NHÀ TRƯỜNG
NĂM HỌC 2022-2023